Đã từng nghe nhiều về Hà Giang, đã bị cảnh rừng núi hùng vỹ của Hà Giang mê hoặc, đã từng bị những cánh đồng hoa tam giác mạch, những ruộng bậc thang ở Hà Giang “thôi miên”, nhưng khi đặt chân lên vùng đất này, thật khó diễn tả hết cảm xúc của những người con phương Nam lần đầu đặt chân lên vùng đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Đoàn làm phim tác nghiệp tại Hà Giang
Vượt hàng trăm km đường đèo, chúng tôi đặt chân đến Hà Giang vào ngày xuân nắng ấm như lòng người dân phố núi. Cửa hàng Xăng dầu Bắc Quang, thị trấn Việt Quang là nơi đoàn đặt chân đến đầu tiên trên vùng đất cao nguyên đá toàn cầu. Buổi cơm trưa vội vàng nhưng thân mật với những “người lính” xăng dầu Bắc Quang. Tình người phố núi cũng nồng ấm, chân tình như ly rượu ngô. Chúng tôi bất ngờ khi nghe câu chuyện của chị Nguyễn Thị Yến, nhân viên Cửa hàng Xăng dầu Bắc Quang lặn lội từ quê hương Ninh Bình đến đây để gia nhập gia đình “Petrolimex”. Trả lời câu hỏi vì sao phải đi xa, Yến nhoẻn miệng cười và trả lời gọn lỏn: “Vì tình yêu đối với Petrolimex”.
Vâng, sức hút của Petrolimex, sức hút của Hà Giang có lẽ còn níu chân nhiều du khách khi đặt chân đến mảnh đất này. Tiếp tục cuộc hành trình đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Đây là cửa khẩu quốc tế duy nhất và quan trọng nhất của Hà Giang. Đối diện bên kia là cửa khẩu Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy hướng mặt về dãy núi sừng sững trước mặt, bên phải là cây gạo đang đỏ rực những bông hoa. Màu hoa gạo đỏ như màu máu của những người lính trẻ đã ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất của quê hương? Rồi ngước mặt nhìn lên đỉnh núi Vị Xuyên, tôi tự hỏi đâu là những “tọa độ chết” của cuộc chiến tranh biên giới năm 1984 bi thương & hào hùng? Những phút giây lặng lẽ trôi qua để tưởng nhớ và tri ân những người lính đã ngã xuống cho từng tấc đất của Tổ tiên.
Hành trình lên cao nguyên đá Đồng Văn là những đoạn đèo với những góc cua gấp khúc, cua tay áo rợn người. Nhưng những ngọn núi đá cao ngút, sừng sững, những thung lũng sâu hun hút, những ruộng bậc thang men theo triền núi mê hoặc những người làm phim chúng tôi. Đoạn đường từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn chỉ dài 145 km nhưng chúng tôi mất đến 6 giờ vì phải nhiều lần dừng lại tác nghiệp.
Buổi tối Đồng Văn rét buốt nhưng bên ly rượu ngô nổi tiếng không kém “vương tửu” khiến chúng tôi say. Nhiều người bảo, tới Hà Giang phải uống cho bằng được rượu ngô Lũng Phìn của người H’ Mông, thứ rượu nấu bằng men lá rừng với những bí quyết cha truyền con nối mà không tiết lộ cho người ngoài. Đời cha nấu xong rượu đào hố chôn xuống đất đến đời con mới đào lên uống. Đồng Văn thiếu nước, thiếu gạo, thiếu đủ thứ chỉ có rượu ngô là đặc sản, có những cư dân cao nguyên Đồng Văn uống rượu thay nước, ăn ngô thay cơm. Nhưng đêm Đồng Văn bạt ngàn, mênh mông, bảng lảng làm đêm cứ sâu, cứ dài, làm rạo rực bao trái tim của những người mới lần đầu đặt chân đến vùng đất này.
Đồng Văn chỉ toàn đá là đá, nhìn đâu cũng đá. Một vùng rộng lớn bao gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với gần 600 km2toàn đá. Những cao nguyên đá, cánh đồng đá, những thung lũng đá, đá đứng nhấp nhô, đá ngồi lúp xúp. Thị trấn Đồng Văn lấp lóe sắc màu đô thị nhưng chỉ đi vài km, cái nghèo khó đã phủ đầy các bản làng. Những ngôi trường, bệnh xá, trụ sở đều được tài trợ bởi các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn kinh tế. Và Petrolimex như một người bạn lớn khi liên tục đồng hành cùng Đồng Văn để xây dựng trường học, bệnh viện, ký túc xá cho người dân vùng biên giới được hưởng những phúc lợi xã hội. Ông Hoàng Văn Thịnh, Phó bí thư Huyện Đồng Văn cho biết: “Chỉ trong 6 năm (Từ 2009 - 2014), Petrolimex đã hỗ trợ gần 65 tỷ đồng cho các công trình xây dựng trường học, bệnh viện, xóa nhà tạm, xây dựng bếp ăn, nhà lưu trú, xe cứu thương, trang thiết bị y tế cho Đồng Văn. Ngoài ra, sự có mặt của các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về nhiều mặt cho kinh tế xã hội của Đồng Văn nói riêng, cả tỉnh Hà Giang nói chung. Đặc biệt, người dân từ khi sử dụng gas, nạn phá rừng, đốt rừng đã giảm hẳn”.
Cán bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hà Giang chụp ảnh lưu niệm tại Trường THCS Thị trấn Đồng Văn (đây là ngôi trường do Petrolimex xây tặng)
Cán bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hà Giang tặng quà các cháu học sinh Trường THCS Thị trấn Đồng Văn
Chiếc xe của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiếp tục cuộc hành trình đưa chúng tôi lên Cột cờ Lũng Cú, nơi chờ đợi và háo hức được đặt chân của các thành viên trong đoàn. Vòng theo các cung đường đèo của Quốc lộ 4 C, nhũng cánh đồng đá nhấp nhô, trùng điệp, những thung lũng đá xa, gần xanh thẫm, thấp thoáng vài mái nhà của đồng bào dân tộc. Từ trong các khe đá, những cụm cải vàng rực, chen ngang như tô điểm thêm sự đáng yêu, duyên dáng cho những cánh đồng đá đen thẫm. Từ chân núi, leo 893 bậc đá để lên đến cột cờ đã thấm mệt, nhưng cảm giác mệt ấy trôi qua mau khi chúng tôi nhìn thấy lá Cờ đỏ Sao vàng tung bay phần phật trước gió (Lá cờ Lũng Cú có diện tích 9x6 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em). Lần đầu tiên đứng dưới Cột cờ Quốc gia cất cao bài Quốc ca, tôi nghe như niềm tự hào lan khắp các tế bào cơ thể, nước mắt trào ra cũng chính vì niềm tự hào đó. Từ chân Cột cờ Lũng Cú phóng tầm mắt bao quanh ngắm nhìn sông núi Đồng Văn, tự nhiên ai cũng nghĩ đến cương vực, lãnh thổ với bao cảm xúc dâng trào. Này là đôi Mắt Rồng dẫu chỉ có trong truyền thuyết nhưng để lại cho người dân nguồn nước ngọt tự nhiên, hiếm có và quanh năm không bao giờ cạn, kia là dòng sông Nho Quế uốn lượn phân chia ranh giới hai nước như dòng nước mắt của người dân vùng biên giới…
Cán bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hà Giang và Đoàn làm phim đã có giây phút thiêng liêng chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.
Chia tay Hà Giang, những địa danh như Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh vẫn hằn sâu trong tâm thức chúng tôi, những con đèo hiểm trở đến rợn mắt, những con người phố núi chân tình như “trái tim vàng” - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang Trần Thị Thu Hương, như anh Phó giám đốc đầy nhiệt huyết Nguyễn Tiến Dũng, cả những anh chị công nhân các cửa hàng xăng dầu trên cao nguyên đá nồng hậu mà Đoàn làm phim Petrolimex ký sự đi qua. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc văn hóa của Petrolimex sau chuyến đi này: Ở đâu - Petrolimex cũng là một ! .
Mong một ngày trở lại, thật gần…
Bài 3: Ở đâu, Petrolimex cũng là 1 !